Cách đánh giá hiệu năng Card đồ họa rời và CPU của Laptop
Cách đánh giá hiệu năng Card đồ họa rời và CPU của Laptop
Thị trường máy tính xách tay rất đa dạng về cấu hình. Chip xử lý chủ yếu chia thành 3 loại là Core i3, Core i5 và Core i7. Tuy nhiên mỗi loại lại có rất nhiều mã CPU với kiến trúc, xung nhịp và bộ đệm cache khác nhau. Ví dụ như Core i5 có không dưới 1 chục mã: 3210M, 3220M, 3340M, 3437U, 2410M… Card đồ họa rời cũng vậy. Và khi chúng kết hợp lại với nhau thành các combo thì còn khiến người dùng hoa mắt hơn nữa.
Không giống như các CPU và VGA của máy tính để bàn có thể dễ dàng tìm thấy review hiệu năng trên mạng, CPU và VGA laptop hầu như không có review. Dĩ nhiên trong các bài đánh giá sản phẩm laptop đều có phần benchmark chấm điểm hiệu năng, nhưng việc ngồi tìm review từng sản phẩm, rồi ngồi thống kê điểm benchmark của chúng ra để so sánh thì chắc chắn chả ai đủ kiên nhẫn để làm
Bởi thế, lựa chọn laptop có cấu hình ưng ý là việc không dễ dàng một chút nào, đặc biệt đối với các bạn ít theo dõi các sản phẩm máy tính. Có 1 cách làm được khá nhiều người dùng sử dụng, đó là… so mã CPU và VGA, mã nào có số lớn hơn nghĩa là mới hơn, mạnh hơn?! Độ chính xác của phương pháp này dĩ nhiên không cần phải bàn cãi nữa!
Có một cách rất đơn giản để đánh giá hiệu năng CPU và VGA laptop nhưng không phải ai cũng biết: Đó là tham khảo thư viện benchmark của Notebookcheck – website tổng hợp đánh giá laptop hàng đầu thế giới.
Hiệu năng CPU
Benchmark của tất cả CPU đều được Notebookcheck tổng hợp lại thành một thư viện và sắp thứ tự từ mạnh đến yếu. Các bạn có thể xem tại đây.
Các thông tin cần chú ý:
- Pos: Thứ hạng của CPU được Notebookcheck sắp xếp sẵn. Thứ tự càng cao thì CPU càng yếu. Tuy nhiên sắp xếp này chỉ mang tính tương đối vì có tới 7 phép thử.
- TDP (Watt): Đây là mức tiêu thụ điện năng của CPU.
- MHz – Turbo: xung nhịp của CPU. Các CPU có tính năng Turbo Boost được thể hiện cả 2 mức xung nhịp, ví dụ như Core i5-3437U là “1900 – 2900” nghĩa là xung mặc định của chip là 1900 MHz, còn xung Turbo là 2900 MHz. Trường hợp khác là Core i3-3110M không có Turbo Boost nên chỉ ghi một mức xung là “2400”.
- Cores / Threads: Số nhân / luồng xử lý.
- Các phép thử Cinebench: Theo tôi trong 7 phép thử mà Notebookcheck sử dụng thì 4 phép thử Cinebench cho kết quả chính xác hơn cả. Có 2 nội dung là “Single” (hiệu năng từng nhân) và “Multi” (hiệu năng tổng thể). Bạn đọc nên dùng kết quả Cinebench để tham khảo.
Hiệu năng VGA
Benchmark của tất cả VGA đều được Notebookcheck tổng hợp lại thành một thư viện và sắp thứ tự từ mạnh đến yếu
Các thông tin cần chú ý:
- Pos: Thứ hạng của VGA được Notebookcheck sắp xếp sẵn. Thứ tự càng cao thì VGA càng yếu.
- 3DM Vant. P GPU: Điểm benchmark GPU của bộ công cụ 3DMark Vantage được dùng rất nhiều trong các review VGA.
- 3DMark11 P GPU: Điểm benchmark GPU của bộ công cụ 3DMark 11 được dùng rất nhiều trong các review VGA.
Ngoài ra, họ cũng có một bảng thống kê về khả năng chơi các game phổ biến của từng VGA, với đủ các thiết lập từ thấp đến cao. Màu xanh lá nghĩa là chơi mượt; màu vàng nghĩa là có thể chơi với khung hình chấp nhận được; màu đỏ nghĩa là khung hình bị giật, khó có thể chơi được. Một số thiết lập có benchmark rõ ràng, một số được đánh giá theo cảm tính. Thống kê chi tiết tại đây.
Kết luận
Laptopcu.vn hi vọng với bài viết này, độc giả có thể có thêm kinh nghiệm trong việc lựa chọn laptop phù hợp với nhu cầu sử dụng.